Tháng Vu Lan Hiếu Hạnh của những người con Phật đã đến, nhưng cơn đại nạn dịch nhiễm Corona vẫn chưa có một dấu hiệu nào đi đến hồi chấm dứt, ngược lại hiện đang tái phát lần thứ hai với sự gia tăng mỗi ngày.
Dẫu thời cuộc có biến đổi, dịch nhiễm vẫn chưa dừng, cuộc sống có thăng trầm, nhưng lòng hiếu thảo của người con Phật, cũng không vì bất cứ điều gì có thể dừng lại. Vì đó là bổn phận trách nhiệm thiêng liêng vĩnh cửu của đời người. Trong Kinh Tăng Chi tập I đức Phật dạy rằng: “Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, ta nói không thể trả ơn được (suppatikàram). Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm như vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, thoa gội, và dầu tại đấy, họ có vãi tiểu tiện đại tiện; như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỷ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này; Như vậy, này các Tỷ-kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng (àpàdakà), nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này”.
Trong Kinh Tâm Địa Quán cũng có câu:
“Cha lành ơn cao như non Thái
Mẹ hiền ân sâu như biển cả
Nếu ta ở đời trong một kiếp
Nói ân mẹ hiền không thể hết”.
Do đó, dẫu cho chúng ta phụng dưỡng Mẹ Cha bằng cách nào đi chăng nữa, thì cũng không thể báo đền được ân sanh dưỡng của Mẹ Cha. Cho nên hạnh Hiếu là nghĩa vụ, bổn phận thiêng liêng của tất cả những người con của Cha Mẹ.
Hiếu hạnh là niềm hạnh phúc lớn, vì hiếu hạnh như là cổ xe chuyên chở chúng ta đến những cảnh giới phước lạc trong cõi đời sanh tử, như trong Kinh Tương Ưng tập 1 kể rằng có vị Bà-la-môn tên là Màtaposka đến hỏi đức Phật:
“Thưa Tôn giả Gotama, tôi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp. Sau khi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp, tôi nuôi dưỡng mẹ cha. Thưa Tôn giả Gotama, tôi làm như vậy, tôi có làm đúng trách nhiệm không?”.
“Này Bà-la-môn, người làm như vậy là có làm đúng trách nhiệm: Này Bà-la-môn, ai tìm món ăn, thiết thực theo thường pháp, lại nuôi dưỡng mẹ cha, người ấy được nhiều công đức”.
“Người này theo thường pháp,
Nuôi dưỡng mẹ và cha,
Chính do công hạnh này,
Đối với cha và mẹ,
Nhờ vậy, bậc Hiền thánh,
Trong đời này tán thán,
Sau khi chết, được sanh
Hưởng an lạc chư Thiên”.
Qua đoạn Kinh trên, cho chúng ta thấy rằng, nếu báo hiếu bằng cách phụng dưỡng Mẹ Cha về phương diện vật chất không thôi, cũng đã cho chúng ta gặt hái được quả báo tốt lành sanh về cõi Trời Người hưởng phước.
Tuy nhiên hiếu hạnh không chỉ dừng lại trong cách cung phụng vật chất cho Mẹ Cha là đã đủ, như trong Kinh Hiếu Tử Đức Phật dạy rằng: “Con nuôi cha mẹ, bằng những thứ này: cam lộ trăm mùi, để thỏa miệng Người, mọi tiếng thiên nhạc, để thích tai Người, áo đẹp tuyệt vời, rực rỡ thân Người, hai vai cõng Người, chu du bốn biển, trả ơn dưỡng dục đến hết đời con, gọi là hiếu chăng?”phải làm sao khiến“cho cha mẹ bỏ ác làm lành, vâng giữ năm giới và ba tự quy, được thế dù rằng buổi sớm vâng giữ, buổi chiều mất đi, ơn ấy trọng hơn vô lượng công ơn nuôi nấng, bú mớm của cha mẹ mình. Nếu không biết đem giáo pháp Tam Bảo, rất mực khai hóa cho cha mẹ mình, tuy là hiếu dưỡng vẫn như bất hiếu……” .
Như vậy hiếu hạnh đối với Đạo Phật đòi hỏi chúng ta trước tiên phải có niềm tin kiên cố với Tam Bảo và nỗ lực tinh tấn tu học Phật Pháp chơn chánh. Có như vậy, chúng ta mới có phương tiện lực để khuyến hoá Cha Mẹ theo con đường Phật Pháp tu tập các pháp lành và tương lai được Giác Ngộ viên mãn cứu cánh thành Phật chấm dứt sanh tử luân hồi, nếu không như thế thì chưa báo đền được công ơn sanh thành dưỡng dục của Mẹ Cha.
Long Thư Tịnh Độ Văn nói rằng: “Lấy món cam lồ phụng dưỡng cha mẹ là hiếu thế gian. Khuyên cha mẹ tu tịnh giới là hiếu xuất thế gian. Hiếu thế gian thì cha mẹ chỉ hưởng phúc trong một đời, báo hiếu như vậy không lớn. Hiếu xuất thế gian giúp cha mẹ hưởng phúc vô tận, vì cha mẹ được sinh Tịnh độ phúc thọ trải vô lượng kiếp; như vậy mới là đại hiếu”.
Một khi chúng ta đã có đầy đủ phước duyên công đức tu tập Phật Pháp, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ thành Phật viên mãn. Cho nên mới nói: “Hiếu Hạnh cũng là tư lương thạnh mãn trên lộ trình Giác Ngộ cứu cánh”.
Nhưng chúng ta không chỉ có Cha Mẹ trong kiếp này, mà đã có vô số Cha Mẹ từ vô thỉ đến nay và sẽ tiếp tục còn nhiều Cha Mẹ với những đời sống luân hồi tương lai nữa, nếu chúng ta chưa đoạn được Kiến Tư Hoặc, Trần Sa Hoặc và Vô Minh Hoặc. Do đó, khi nói Báo Hiếu cho Cha Mẹ, còn phải nghĩ tưởng đến Cha Mẹ trong vô thỉ kiếp về trước đã cho chúng ta cái Thân Người. Cho nên, sự tu tập của đạo Phật căn bản là phải Báo Ân và một trong những sự Báo Ân, đó chính là Ân Chúng Sanh. Như trong Kinh Đại Phương Tiện Báo Ân, phẩm Hiếu Dưỡng thứ hai nói rằng: “Như Lai khi còn phải ở trong đường sinh tử, ở trong tất cả loài chúng sinh, cũng đã phải chịu đủ mọi thân hình nhiều như những hạt bụi, không thể lấy lòng nghĩ, miệng bàn cho xiết được.
Vì phải chịu thân như thế, cho nên tất cả chúng sinh, cũng từng đã làm cha mẹ của Như Lai, Như Lai cũng đã làm cha mẹ của tất cả chúng sinh, vì tất cả cha mẹ, nên Như Lai thường làm khổ hạnh khó làm, bỏ cả những sự khó bỏ như: Đầu, mắt, tủy, não, quốc thành, thê tử, voi, ngựa, bảy báu, kiệu cáng, xe cộ, y phục, ẩm thực, đồ nằm ngồi, thuốc thang, cấp cho tất cả, siêng tu tinh tiến, bố thí, trì giới, đa văn, thuyền định, trí tuệ, cho đến đầy đủ tất cả vạn hạnh, thường không dừng nghỉ, tâm không biết mỏi mệt hiếu dưỡng cha mẹ, biết ơn trả ơn, nên mau chóng thành Vô thượng Chính đẳng Chính giác.
Bởi thế, chính tất cả chúng sinh, đã khiến cho Như Lai, đầy đủ bản nguyện, vì thế nên biết, tất cả chúng sinh, là trọng ân đối với Phật, vì có trọng ân như vậy, cho nên Như Lai không bỏ chúng sinh;”.
Vì vậy, muốn Báo Hiếu viên mãn, thì người con Phật phải khởi phát Bồ Đề Tâm, là Tâm mong cầu thành Phật và nguyện độ chúng sanh, cũng như trong Kinh Đại Phương Tiện Báo Ân, phẩm Phát Bồ Đề Tâm thứ tư dạy rằng: “Bồ Tát muốn tri ân báo ân nên phải phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác, và dạy bảo tất cả chúng sinh phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác.”
Công hạnh báo hiếu, không chỉ là để đền đáp công ơn Ông Bà Cha Mẹ không thôi, mà còn là một cơ duyên thù thắng để tạo phước đức cho đời mình trong hiện tại và tương lai được sanh cõi Trời Người hưởng phước. Và kết quả thù thắng nhất là Thành Phật Viên mãn. Vì công hạnh báo hiếu cũng chính là phát đại Bồ Đề Tâm, nguyện thành nhất thiết chủng trí và nguyện lợi lạc quần sanh. Kinh Báo Phụ Mẫu Trọng Ân cũng đã xác định rõ ràng: ……
Đống xương dồn dập bấy lâu
Cho nên trong đó biết bao cốt hài
Chắc cũng có ông bà cha mẹ
Hoặc thân ta hoặc kẻ ta sanh
Luân hồi sanh tử tử sanh
Lục thân đời trước thi hài còn đây
Ta lễ bái kính người tiền bối
Và ngậm ngùi vì nhớ kiếp xưa….
Cho nên báo hiếu mẹ cha cũng đồng nghĩa báo ân tất cả chúng sanh vậy. Và khi nào cha mẹ thành Phật thì hiếu hạnh mới viên mãn. Cũng chính là tất cả chúng sanh đồng thành Phật Đạo. Và ngược lại với hiếu hạnh là điều bất thiện lớn nhất, một trong những hạt giống tương ưng với quả của cảnh giới địa ngục. Cho nên trong Kinh Tập Bảo Tạng cũng dạy rằng: “Làm con đối với cha mẹ đem lễ mọn cúng dường thì được phước vô lượng, làm chút điều bất thiện đối với cha mẹ thì tội cũng vô lượng”.
Do đó, hạnh hiếu luôn được chư Phật Bồ Tát Thánh Hiền cũng như các nhà hiền triết là thánh thế gian đồng ca ngợi tán thán và việc làm ưu tiên hàng đầu của kiếp sống con người. Thiên kinh vạn quyển, Hiếu nghĩa vi tiên.
Hơn bao giờ hết, trong giai đoạn cả thế giới đang rơi vào cơn khủng hoảng vì nạn Dịch Corona. Đây cũng là một hậu quả mà nhân loại trên hành tinh này đang gánh chịu. Theo đạo lý nhân quả nghiệp báo, thì đây chính là cộng nghiệp, mà nguyên nhân xa gần chắc chắn không phải do hạt giống thiện lành mà nhân loại đã gieo trồng từ thuở nào, để đến hôm nay cả thế giới phải nhận chịu sự bất hạnh này. Cho nên, để tạo thêm công đức lành ngỏ hầu hồi hướng cho Dịch Tai Corona sớm chấm dứt. Bằng cách nhân dịp Vu Lan Báo Hiếu trở về, tất cả những người con Phật khắp năm châu đồng phát bồ đề tâm tu tập thiện pháp hiếu hạnh. Để tạo lập công đức thiện thù thắng như trong kinh Nhẫn Nhục dạy rằng: “Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu; điều ác, ác nhất không gì hơn bất hiếu”. Nếu tất cả nhân loại đồng tu tập thiện pháp hiếu hạnh thì chắc chắn nạn tai dịch nhiễm sẽ chuyển sang chiều hướng tốt đẹp hơn. Và nương nhờ năng lực công đức thiện hiếu, để rồi cả địa cầu nhân loại được tăng trưởng phước đức và vượt thoát cơn khổ ải hiện nay. Do lòng hiếu thảo mà cảm động đến đất trời thiên địa, thiên tai cũng được dứt trừ, mùa màng tươi tốt, quốc cường dân an, xã hội thạnh mãn. Cổ Đức có câu: Đức năng thắng số, cho nên nếu nhân loại tạo được công đức hiếu thiện, thì thế giới khoa học sẽ sớm thành công phát minh ra thuốc ngừa chặn đứng nhiễm dịch Corona. Tu dưỡng Thiện Hiếu này không gì khác hơn là, nhân loại hãy mở rộng lòng vô ngã vị tha, thương yêu tha thứ, không thù không oán, không hận không buồn. Nâng cao phẩm hạnh thiện hiền cho chính tự thân và trang nghiêm bằng giới hạnh của người con Phật là:
Nguyện đoạn tất cả ác
Hãy làm các điều thiện
Giữ ý lành trong sạch
Đó là lời Phật dạy.
Báo ân hiếu nghĩa ông bà cha mẹ, chính là làm tất cả thiện hạnh cho chúng sanh và ngược lại làm thiện hạnh cho tất cả chúng sanh cũng chính là báo đền ân đức của ông bà cha mẹ trong hiện đời và nhiều đời nhiều kiếp về trước.
Mùa Vu Lan Hiếu Hạnh Phật Lịch 2564 – 2020
An Chí – Hoằng Khai