Sáng nay phải dành chút thời giờ thưởng thức một tách trà xanh. Ý làm chủ, sai khiến thân hành động. Cầm lấy ấm nấu nước, mở nắp, mở vòi nước. Nước chảy đầy ấm. Tắt vòi nước, đậy nắp, để ấm nước lên trên đế nấu nước. Mở công tắc điện, mở công tắc trên ấm nước. Trong khi chờ nước sôi, chuẩn bị bình trà, tách trà và hộp trà xanh.
Lắng nghe tiếng nước sôi reo. Công tắc tự động tắt khi nước đã sôi đúng độ. Trước đây ấm nấu nước trống không, bây giờ đã đầy nước. Trước đây nước lạnh, bây giờ là nước nóng. Nước nóng là do duyên điện gây nhiệt. Không có, có không, duyên khởi, duyên hợp, duyên sanh. Ý và điện là pháp vô sắc tướng. Thân, nước và ấm nước là pháp hữu sắc tướng. Nhờ duyên hợp các pháp này lại mới có được một ấm nước nóng.
Nếu ấm nước đã đầy thì không thế nào chứa được thêm nước. Cũng thế, học đạo thì phải học với cái tâm trống rỗng thì mới có thể hấp thu trọn vẹn ý nghĩa chân lý của đạo. Nếu học đạo với tâm kiến thủ, ngã mạn, tự cho là mình đã học qua rồi, đã biết rồi, đã hiểu rồi thì sẽ vĩnh viễn cả đời tâm thức bị đóng khung, bị giới hạn, sẽ chẳng bao giờ thấu triệt chân lý của đạo. Cũng một lối mòn hàng ngày thường đi. Nếu đi với những bước chân cố định cứng ngắc , với một cái tâm định kiến thì lối mòn muôn đời vẫn là một lối mòn cũ kỹ, nhàm chán. Mỗi bước chân lặp đi lặp lại một tiết điệu cô đơn lạc lõng. Thế nhưng, nếu đi với những bước chân an nhiên, với cái tâm rộng mở tỉnh thức, thì sẽ nhận thấy lối mòn mỗi ngày mỗi mới. Tiếng chim hót của ngày hôm nay nào giống tiếng chim hót của ngày hôm qua. Chiều hướng và tốc độ của gió hôm nay chắc chắn là khác với ngày hôm qua. Cách đây không lâu, lối mòn xác xơ tiêu điều, mà bây giờ cỏ xanh mướt mơn mởn, một vài nơi hoa điểm sắc trắng sắc vàng. Hãy quán vô thường để chuyển hóa thăng hoa thân tâm.
Dùng nước sôi tráng bình trà và tách trà. Xong múc ba muỗng cà phê trà xanh bỏ vào bình. Chế nước sôi vào. Chờ.
Rót nước trà vào tách trà. Nước trà màu xanh nhạt, có mùi thơm dìu dịu dễ chịu. Nhìn nước trà xanh trong tách, thấy cả các pháp hiển hiện: khổ, vô thường, trùng trùng duyên khởi duyên hợp duyên sanh, vô ngã và không. Một là tất cả, tất cả là một.
Nhìn nước trà xanh, quán nỗi khổ của chúng sanh. Thấy nỗi khổ của công nhân đồn điền trà, dầm mưa dãi nắng chăm sóc vườn trà, hái lá trà.v.v… Thấy cảnh khổ của người nghèo khó, vì sinh kế phải lao lực lao tâm. Dù không khỏe cũng phải đi làm, vì nghỉ một ngày thì một ngày thiếu miếng cơm manh áo. Ban quản lý phải đắn đo suy tính sắp xếp công nhân, sắp đặt công việc sao cho được ổn thỏa suôn sẻ theo đúng kế hoạch đã đề ra để thu hoạch được kết quả tốt đẹp. Còn chủ đồn điền thì sao? Đêm nằm trăn trở thao thức cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa; cầu cho thu hoạch năm nay được nhiều hơn năm ngoái; cầu nguyện cho các hợp đồng giờ cuối đừng thay đổi.v.v… Mỗi cầu mỗi nguyện là một nỗi lo. Người nghèo có cái lo của người nghèo. Người giàu có nỗi lo của người giàu. Tùy theo hoàn cảnh và vị trí mà có nỗi lo riêng. Ai cũng khổ.
Trong trà có nỗi khổ của chúng sanh. Vậy khi thưởng thức trà, chẳng lẽ lại đi thưởng thức nỗi khổ của chúng sanh? Chẳng ai làm vậy bao giờ. Thưởng thức hương vị của trà, quán và chiêm nghiệm nỗi khổ để từ đó nhận chân niềm an lạc và hạnh phúc.
Nhìn nước trà xanh, quán vô thường. Thấy sự thay đổi của thời gian bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông. Thấy sự biến chuyển của thời tiết, khi mưa lúc nắng. Khi thì nắng ấm áp chan hòa, lúc thì sương mù giá lạnh bao phủ, mưa trút tầm tã.Thấy xúc thọ của cây trà theo hoàn cảnh môi trường xung quanh mà phát triển trưởng thành. Thấy đọt trà non xanh mơn mởn tươi tốt khoe sắc thắm cho vụ thu đầu mùa. Đọt non trên cây trà đã không còn sau khi được thu hoạch. Pháp sanh, pháp diệt. Biến đổi vô thường. Nếu không có vô thường thì Thái tử Tất Đạt Đa đã không rời bỏ ngai vàng điện ngọc, vợ đẹp con thơ xuất gia cắt tóc tầm đạo. Và đời nầy cũng chẳng có người dũng mạnh phát tâm bồ đề cắt ái ly gia cầu đạo giải thoát. Nếu không có vô thường thì cây không thể lớn phát triển trưởng thành, hoa không thể nở khoe sắc màu tươi thắm. Nhờ có vô thường, người bệnh mới hết bệnh, em bé biết đi, người điên hoá tỉnh, người mê thành giác. Nhờ có vô thường, người mới nhận thức liễu tri pháp vốn là huyễn là ảo, sắc tướng danh giả, từ đó tập buông xả bớt lòng tham, bớt chấp niệm cởi bỏ ràng buộc, thênh thang sống giữa cuộc đời đầy hệ lụy khổ đau. Không có thủ thì chẳng có hữu; hữu không có có chi sanh; sanh còn không có, nào có chi lão bệnh tử. Giữa trời đất mênh mông rộng lớn, sống tự tại và chết tự tại.
Nhìn nước trà xanh, quán trùng trùng duyên khởi duyên hợp duyên sanh. Để có được trà cho người pha trà thực tập thiền trà, trà đạo, phải nhờ biết bao nhiêu duyên khởi duyên hợp. Duyên nhân dụng như nhân công, quản lý, chủ, thương gia.v.v…; duyên vật liệu như phân bón, thuốc trừ sâu; duyên đất nước gió lửa, duyên phương tiện như gùi tre, xe vận tải, đường xá, cơ xưởng, tàu thuyền, máy bay.v.v… . Không có đất thì không thể trồng trà được. Trà muốn được tươi tốt thì phải nhờ vào tâm lực của người, nhờ vào phân bón và thuốc trừ sâu bọ. Thu hoạch thì phải cần gùi tre để chứa; di chuyển trà từ đồn điền đến cơ xưởng thì phải nhờ đến xe vận tải cùng đường xá. Trà chế biến tại cơ xưởng xong thì phải đóng hộp, đóng gói, đóng bịch. Sau đó cần vận chuyển đi khắp nơi. Vậy thì phải nhờ đến xe hơi, máy bay, tàu thuyền tùy theo nơi chốn và số lượng ít hay nhiều. Người do đất nước gió lửa và thức tạo thành. Phân bón và thuốc trừ sâu do tâm thức của người mà có, phải qua tiến trình chế biến từ chất hữu cơ và vô cơ. Gùi tre từ cây tre mà có. Nhưng phải có người chặt tre đem về chuốt tre rồi đan thành gùi. Duyên nào hợp sanh ra tre? Người dùng dao hay rựa để đốn tre. Vậy duyên nào hợp tạo thành dao và rựa?
Xe vận tải là một pháp do tâm thức biến hiện, nhờ vào rất nhiều duyên kết hợp mà thành như sườn xe, bánh xe, máy, ghế, dây điện, sơn,.v.v… Xưởng chế tạo xe không chế tạo từng bộ phận của xe, mà chỉ ráp những bộ phận này lại thành chiếc xe. Những bộ phận khác nhau này do từng cơ xưởng riêng chế tạo. Mỗi một cơ xưởng là một pháp do nhiều duyên kết hợp. Sườn xe và máy xe làm từ hỗn hợp kim loại. Bánh xe và ghế xe làm từ hỗn hợp cao su. Kim loại từ đâu mà có? Cao su từ đâu mà có? Cứ thế lý giải thì xe vận tải tự nó không thể tự thành mà phải do rất nhiều, rất nhiều duyên kết hợp.
Tiếp tục lý giải như thế với cơ xưởng chế biến trà, đường xá, tàu thuyền, máy bay,.v.v… để thấy trong trà có vô số duyên, vô số pháp. Trong duyên có duyên có pháp, trong pháp có pháp có duyên. Cái này có nên cái kia có, cái kia có nên cái nọ có. Cái này không còn thì cái kia không còn, cái kia không còn thì cái nọ cũng không còn. Đây chính là chân lý vi diệu của trùng trùng duyên khởi, duyên hợp, duyên sanh, duyên diệt.
Trà, tự nó không thể có, phải do duyên hợp mới thành. Do đó, nó vốn vô ngã và tự tánh của nó là không. Tất cả các pháp đều đó tâm thức biến hiện, do duyên khởi kết hợp mà sanh ra. Thế nên, các pháp đều vô ngã và tự tánh của chúng là không. Pháp tùng duyên sanh, pháp tùy duyên diệt. Không có pháp nào thoát ra ngoài quy luật bốn giai kỳ Thành Trụ Hoại Không.
Trà khô, do rất nhiều, rất nhiều duyên khởi kết hợp mà thành. Trà được đóng hộp, đóng gói bầy bán khắp nơi cho đến khi được người mua về dùng. Trong thời gian trà còn trong hộp trong gói là trụ. Duyên đầy đủ, trà hợp với nước sôi cho ra nước trà thơm ngon. Sau khi thưởng thức xong nước trà, xác trà được đem đổ ở một góc sân nào đó trong vườn và từ từ mục rã. Đó là hoại. Cuối cùng trà tan biến hoàn toàn không còn gì cả. Không lại hoàn không.
Chầm chậm thong thả thưởng thức hương vị của trà, của đời và của đạo. Mai này lại về không.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tịnh An