Đình Tiền Tạc Dạ Nhất Chi Mai

“Đình Tiền Tạc Dạ Nhất Chi Mai” là câu thơ trong thi kệ nổi tiếng của kho tàng văn học Phật Giáo Việt Nam từ thời nhà Lý, với nhan đề “Cáo Tật Thị Chúng” (Cáo Bệnh Dạy Chúng) của thiền sư Mãn Giác (1052-1096). Nội dung là cảnh tỉnh sự Vô Thường của vạn hữu vũ trụ và nhân sinh. Nhưng trong sự Vô Thường chuyển biến của hiện tượng thì luôn là một sự Chân Thường Bất Biến của bản thể.

Thi kệ rằng:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

告疾示眾
春去百花落, 春到百花開。
事逐眼前過, 老從頭上來。
莫謂春殘花落盡, 庭前昨夜一枝梅

Thi kệ trên đã được nhà văn Ngô Tất Tố (1893-1954) dịch sang nghĩa tiếng Việt rằng:

Xuân qua, trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười.
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi.
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết;
Đêm qua, sân trước, một cành mai

Hai câu đầu là nói lên sự vô thường chuyển biến của vạn hữu vũ trụ thời và không gian.

Hai câu giữa nói lên quy luật chi phối sanh lão bệnh tử của nhân sinh.

Hai câu cuối là nói lên sự thường hằng bất biến của vạn pháp.

Vì vô thường chuyển biến, nên quả địa cầu xoay tròn, để rồi vận hành có ngày và đêm, sáng và tối, trong thời gian 24 giờ đồng hồ. Để rồi một năm 365 ngày chia thành bốn mùa xuân hạ thu đông. Mỗi mùa với khí tiết khác nhau, từ ôn hoà dịu dàng của mùa xuân sang nóng bức của mùa hè, rồi chuyển dần mát lạnh của thu sang lá vàng rơi rụng, dần đến đông tàn giá rét với thân cây trơ trụi lá. Thời gian cứ thế xoay vần hết 365 ngày này đến 365 ngày khác, tuần tự đắp đổi thay nhau, hết xuân này lại đến xuân khác và kiếp nhân sinh cứ thế mà từ thuở lọt lòng mẹ cất tiếng oa oa, rồi thành trẻ thơ ấu nhi, dần trưởng thành với thời gian, rồi đi đến già nua và tử tận, thế là xong một kiếp sống đời người.

Xuân Nhâm Dần năm trước qua đi. Và cũng chính vô thường chuyển biến, Xuân Quý Mão năm nay lại trở về. Mỗi một năm Xuân có tên gọi khác nhau, nhưng Xuân vẫn là Xuân và tính chất của Xuân luôn tươi mát hiền hoà và muôn hoa khoe sắc rực rỡ, tô điểm cho cảnh vật thêm nét đẹp phong nhiêu.

Mỗi một mùa Xuân đến, thì con người chúng ta được tăng thêm một tuổi đời. Với trẻ em thì được lớn lên hay trưởng thành và cũng nghĩa là tăng trưởng sự hiểu biết về nhiều khía cạnh của đời sống, từ kiến thức học đường đến ngoài xã hội nhân sinh. Với người trung niên thì gọi là tuổi đời chồng chất, rồi già nua và cũng nói lên vốn liếng kinh nghiệm của cuộc đời cũng theo đó mà dày thêm. Cho nên Khổng Phu Tử (551-479 trước Công Nguyên) nói rằng: “Thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mạng, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ”. Những điều này do Khổng tử tự chia đời mình thành sáu giai đoạn của thời gian, bắt đầu từ 15 tuổi học hành, 30 tuổi thì sự nghiệp học đã vững vàng, 40 tuổi thì nhìn sự đời không còn lầm lẫn, 50 tuổi thì biết được những quy luật tự nhiên trong cuộc sống, 60 tuổi nhìn sự việc thông suốt hơn, nên không còn câu chấp đúng sai với cuộc đời và 70 tuổi thì tâm cang đã nhu mì với cuộc đời và sống đúng theo quy luật mà cuộc đời đã định. Có thể nói rằng, đây chỉ là sự nhận định phiến diện chủ quan của bản thân Khổng phu tử, chứ không hẳn ai ai cũng sẽ được như vậy. Nhưng có thể đứng trên phương diện khách quan mà nhận xét, thì với mẩu số chung của nhân sinh có thể là như vậy. Với thời gian năm tháng chồng chất lên đời người, phủ lên đầu một lớp bụi phấn và từ khuôn diện đến thân thể cũng khác đi so với lúc trẻ thơ thanh thiếu v.v… đến lúc già nua bệnh tật và sự chết xuất hiện, thì ai ai cũng sợ hải lo âu và chẳng ai muốn từ bỏ cuộc đời này.

Lý Bạch (701-762) nhà thơ nổi tiếng đời Đường Trung Hoa đã nói với bạn tâm giao trong một buổi tiệc rượu trên núi cao rằng:

“Quân bất kiến:
Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai,
Bôn lưu đáo hải bất phục hồi?
Hựu bất kiến
Cao đường minh cảnh bi bạch phát !
Triêu như thanh ty, mộ như tuyết?”

Nghĩa là:

Anh không thấy:
Nước sông Hoàng Hà chảy từ trên trời xuống,
Chảy ra đến biển không quay trở lại nữa.
Anh lại không thấy
Cha mẹ soi gương buồn nhìn tóc bạc !
Sớm còn như tơ xanh, tối đã trắng như tuyết”

Lý Bạch đã nói lên tính chất vô thường của nhiên giới và nhân sinh.

Ngài Quy Sơn Linh Hựu đã cảnh tỉnh thế gian rằng: “Niệm niệm tấn tốc, nhất sát na gian, chuyển tức tức thị lai sanh hà nải yến nhiên không quá”. Nghĩa là: “Niệm niệm nhanh chóng nối nhau, trong một sát-na, chuyển hơi thở thì đã là đời sau. Làm sao có thể yên lòng để đời mình trôi qua vô ích như thế được?”

Tất cả đã diễn đạt qua 4 câu của thi kệ: “xuân khứ bách hoa lạc, xuân đáo bách hoa khai và sự trục nhãn tiền quá, lão tùng đầu thượng lai”.

Tuy nhiên, nếu không có nguyên lý Vô Thường, thì nhi đồng sẽ không trưởng thành, tráng niên sẽ không có bề dày kinh nghiệm. Nếu không có Vô thường sẽ không có chuyển Phàm thành Thánh. Vì tính năng của vô thường, khiến tâm thức hữu tình chuyển đổi theo duyên tuỳ thuộc. Tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, mực và đèn là duyên tuỳ thuộc. Vì vậy, quan trọng là chúng ta sẽ gần với duyên tuỳ thuộc nào. Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Trong kinh Địa Tạng đức Phật dạy rằng: <i>“Những chúng sanh mà chưa được giải thoát, tánh thức của nó không định, hễ quen làm dữ thời kết thành nghiệp báo dữ, còn quen làm lành thời kết thành quả báo lành. Làm lành cùng làm dữ tùy theo cảnh duyên mà sanh ra, lăn mãi trong năm đường không lúc nào tạm ngừng ngớt, mê lầm chướng nạn trải đến kiếp số nhiều như vi trần.”</i> Cho nên, nếu chúng ta có may mắn phước đức luôn gặp những duyên tuỳ thuộc Thiện, thì chúng ta sẽ theo duyên Thiện ấy, để tác khởi ba nghiệp Thiện, tạo thành nhân tốt và tiếp thọ quả báo tốt. Ngược lại không đầy đủ duyên phước, thì gặp duyên tuỳ thuộc bất thiện, ba nghiệp theo đó khởi sanh và tạo tác thành nhân bất thiện và tiếp thọ quả báo bất thiện. Sở dĩ, gặp phải duyên tuỳ thuộc như vậy, là do Tâm thức bị định lý vô thường chuyển biến dời đổi trong từng sát na sanh diệt. Cũng vì thế chúng hữu tình cứ mãi trôi lăn trong sáu nẻo sanh tử luân hồi, giai do không có một cái Ngã chủ tể nhất định thường hằng. Nếu thật sự có một cái Ngã chủ tể thường hằng, thì tâm thức chúng hữu tình sẽ không có sự dời đổi biến thiên. Không có sự tiến hoá hay thụt lùi, không có sự trưởng thành và kinh nghiệm, cũng sẽ không có chuyển Phàm thành Thánh. V.v…..

Vì vô thường, nên thời gian 365 ngày chia thành 12 tháng và bốn mùa xuân hạ thu đông là chu kỳ của một năm thời gian. Vì vô thường cho nên trong cuộc sống chúng ta có nhiều hứa hẹn và hy vọng ở một tương lai tươi sáng tốt đẹp hơn, lạc quan hơn. Có lẽ, vì vậy Thiền Sư Mãn Giác trước khi viên tịch, đã nói thi kệ từ giả các đệ tử, bằng một mùa Xuân đã qua hoa đã rụng hết. Trời Xuân mới đã trở về trong không khí tươi mát với muôn hoa khoe sắc toả hương. Đặc biệt là Hoa Mai, một loại hoa đặc sắc của Việt Nam chỉ nở vào dịp Tết Nguyên Đán của mùa xuân. Tết Nguyên Đán của dân tộc Việt Nam, là đánh dấu khởi đầu cho một năm mới đầy hứa hẹn sự tốt đẹp trong cuộc sống của một cuộc vận hành mới của chu kỳ 12 tháng. Ý Ngài cũng cho biết rằng thân ta giờ đây sắp sửa tàn, chỉ cần một hơi thở ra không trở lại nữa, là đã chấm dứt cuộc đời này, như là “Xuân đi trăm hoa rụng”. Nhưng Xuân sẽ trở lại tiếp tục theo chu kỳ vận hành mới của thời gian một năm 12 tháng 365 ngày và khi Xuân đến thì trăm hoa lại nở, tạo nên một không gian tươi đẹp của thiên nhiên với muôn màu hương sắc. Cũng có ý rằng với nguyện hạnh Bồ Tát, Ngài sẽ trở lại trần gian để tiếp tục sứ mạng hoằng dương Phật Pháp và lợi lạc quần sanh. Nhưng Ngài cũng cảnh tỉnh với chúng đệ tử rằng, sự vô thường nhanh chóng sự đời cứ qua đi trước mắt và trên đầu già đến rồi (sự trục nhãn tiền quá, lão tùng đầu thượng lai). Hãy tinh tấn tu học chớ để ngày tháng trôi qua luống công vô ích của một kiếp người. Ngài Phổ Hiền thường cảnh tỉnh rằng: “Thị nhật dĩ quá, mạng diệc tuỳ giảm, như thiểu thuỷ ngư, tư hữu hà lạc. Đại chúng đương cần tinh tấn, như cứu đầu nhiên, đản niệm vô thường, thận vật phóng dật” nghĩa là: <i>“Ngày nay đã qua, mạng sống giảm dần, như cá thiếu nước, nào có vui chi. Đại chúng hãy nên tinh tấn, như cứu lửa cháy đầy, chỉ niệm vô thường, cẩn thận chớ có phóng dật buông lung.”

Nhưng sở dĩ Ngài khuyên chúng sanh hãy tinh tấn, là vì ngay nơi sự Vô Thường là Thường (vô thường thị thường). Thường nói đủ là chân thường, thường hằng, hay còn gọi là chân như, tự tánh, hoặc còn gọi là Như Lai, Phật Tính v.v…. nói theo từ ngữ triết học thì, vô thường thuộc hiện tượng còn thường thuộc về bản thể. Hiện tượng thì có sự biến thiên đa thù, muôn hình vạn trạng. Còn bản thể thì cho dù vật đổi sao dời, nhưng chính nó vẫn như như bất động thường hằng. Chính sự thường hằng, cho nên chúng ta tu tập mới chuyển Phàm thành Thánh. Thánh là đối với Phàm mà có, chứ thật ra Thánh Phàm gì cũng đều không thật có. Cái có duy nhất chính là bản thể thanh tịnh, Bát nhã gọi là Không tính, Lăng Già, Duy thức gọi là Như Lai Tạng Tính, Niết Bàn gọi Phật tính thường trụ, Pháp Hoa gọi là tri kiến Phật, Hoa Nghiêm nhất tâm chân như, v.v….. Trong tất cả kinh luận Đại Thừa đều thảy thảy chứng minh ra rằng trong thế giới hiện vô thường chuyển biến sinh diệt này, có sự thường hằng bất biến, bất tăng bất giảm, bất cấu bất tịnh, bất sinh bất diệt. Điều này được nêu rõ trong luận Đại Thừa Khởi Tín của ngài Mã Minh ở phần Tâm Chơn Như như sau: “Tâm Chơn như là cái tâm tánh bất sanh bất diệt. Thể và Tướng nó to lớn bao trùm tất cả các pháp (nhứt pháp giới đại tổng tướng pháp môn thể).

Sở dĩ các pháp sai khác là do vọng niệm; nếu rời vọng niệm thì không còn các cảnh tướng sai khác. Bởi thế nên tất cả pháp từ hồi nào đến giờ, không thể dùng danh tự để kêu gọi, không thể dùng lời nói luận bàn, không thể dùng tâm suy nghĩ được, không có biến đổi và cũng không phá hoại vì nó rốt ráo bình đẳng, chỉ có một “Tâm Chơn như” mà thôi.” Bởi thế nên trong Khế kinh chép:

“Thị pháp trụ pháp vị
Thế gian tướng thường trụ”

Nghĩa là:

Pháp nào vẫn an trụ địa vị của pháp nấy;
tướng thế gian là tướng thường trụ.

Bởi thế, pháp tu của Đạo Phật là pháp trở về với cái “Tâm Chơn Như Thường Trụ”, tâm này là Phật, ngoài ra không có gì hết và đi đến tuyệt đối cứu cánh chính là Vô Trụ, Vô Tu, Vô Chứng. Chính điều này mà thiền sư Mãn Giác mới bảo rằng: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”, “chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một cành mai”. Xuân đi hoa rụng, xuân đến hoa nở, chỉ là hiện tượng sanh diệt của các pháp, chỉ vì chúng sanh dụng vọng tâm sanh diệt để thấy có sinh có diệt trên các pháp. Nếu vận dụng được nội kiến của bậc giác ngộ, thì thấy các pháp đều như thị, không có gì sanh cũng không có gì diệt. Cho nên cái nhìn của ngài Mãn Giác với “mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, tiền đình tạc dạ nhất chi mai”, là cái nhìn trực giác chơn như của bậc chứng đạo, chứ không phải cái nhìn của vọng niệm sinh diệt phàm phu.

“Đã không có một chút triệu chứng qua lại thì làm sao có vật gì để lưu động biến đổi? (既無往返之微朕,有何物而可動乎?) Kỳ thật, về không gian thì vật không khứ lai, về thời gian thì không có cổ kim. Cũng như trong chiêm bao thấy trải qua nhiều năm, nhưng tỉnh giấc thì biết chỉ có chốc lát thôi. Nếu lấy việc chiêm bao để quán các pháp thì thời vô cổ kim, pháp vô khứ lai đã rõ ràng trước mắt. Nếu tác ý phân biệt thì liền lọt vào lưu chuyển, chổ này chẳng phải phàm tình có thể đến được.

Gió bão bay núi mà thường tịnh. 旋嵐偃嶽而常靜
Nước sông đổ gấp mà chẳng trôi 江河兢注而不流
Bụi trần lăng xăng mà chẳng động. 野馬飄鼓而不動
Trăng qua bầu trời mà chẳng đi. 日月歷天而不周
bốn câu kệ nầy đâu còn kỳ lạ gì nữa.

Tôi (Ngài Hám Sơn) lúc trẻ đọc Luận nầy đến bốn câu trên, đối với nghĩa “Bất Thiên” khởi nghi tình trải qua nhiều năm.

Khi cùng Sư Diệu “kiết đông” ở Phù Bản, khắc lại bản Luận này; lúc dò đến đoạn nầy, hoát nhiên tỉnh ngộ. Lòng mừng vô hạn, liền đứng lên lễ Phật thì thấy thân mình không có tướng lễ xuống hay đứng lên, mở cửa nhìn ra ngoài chợt thấy gió thổi, lá cây rơi lả tả mà lá nào cũng chẳng động, mới tin câu “gió bão bay núi mà thường tịnh”. Kế đó vào nhà cầu để đi tiểu mà chẳng thấy tướng lưu chuyển của nước tiểu, thật là “nước sông đổ gấp mà chẳng trôi”.

Ngày xưa về sự nghi câu: “Thế gian tướng thường trụ” của Kinh Pháp Hoa liền nhờ đây mà tan rã. Do đó mới biết ý chỉ của Luận này thật vi tế sâu xa, nếu chẳng phải chân tham thật ngộ, muốn lấy cái tri kiến mà tỏ bày, đều chẳng khỏi bị hoài nghi nhiều thêm nữa.

Về sự “động tịnh đến cùng cực” không dễ gì nói cho người tin được, những lời ấy là muốn người lìa ngôn ngữ để hiểu ý, đừng chấp theo ngôn ngữ mà đánh mất ý chỉ vậy.”
(trích Triệu Luận Lược Giải của Đại Sư Hám Sơn)

Vì vậy, cái nhìn của ngài Mãn Giác vừa giao ước tương đối của thế tục đế là, có sinh có diệt, có vô thường, có động có tịnh. Nhưng mặt khác Ngài đã phương tiện khéo léo vận dụng hình ảnh “chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết”, mà “đêm qua sân trước một cành mai”. Đây có khác gì “Vật Bất Thiên” của Tăng Triệu và cái nhìn vạn vật bất động của ngài Hám Sơn giữa đêm khuya gió mạnh thổi lá cây rơi rụng trước sân chùa, nhưng ngài thấy thật không một lá nào rơi cả.

Tóm lại, “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”, nhằm để nhắc nhở chúng ta hãy vững tin kiên cố với chân lý bất sinh bất diệt của Phật pháp đại thừa xiển dương, với cái nội kiến bất nhị (không hai), sanh tử tức niết bàn, phiền não tức bồ đề. Sanh tức bất sanh, diệt tức bất diệt.

Tổ Huyền Quang dạy: “Giác tánh viên minh, tùng lai trạm tịch. Bổn vô nhơn ngã chi huyễn tướng, hà hữu sanh tử chi giả danh. Nhân tối sơ nhất niệm sai thù, tùng mộng tưởng hữu tư sanh diệt.

Tuy vân:

Diệt nhi bất diệt, tằng Đạt Ma chích lý Tây quy.
Sanh nhi bất sanh, nãi Thích Tôn song lâm thị tịch.
Nhược phi nhất nhơn hiểu liễu, nan miễn tứ đại tương man.”

Dịch nghĩa: “Giác tánh viên minh, xưa nay vắng lặng. Vốn không ngã nhân huyễn tướng, nào có sanh tử giả danh! Nhơn đầu tiên một niệm sai lầm, tùy vọng tưởng có sanh có diệt.

Tuy nhiên: Diệt nào có diệt, Đạt Ma Tôn giả, quảy dép về Tây;
Sanh mà không sanh, Thích Ca Thế Tôn, song lâm nhập diệt!
Nếu không một phen thấu triệt, khó khỏi nhiều kiếp nổi trôi.”
(phần dịch nghĩa của Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh)

Xuân về trên quê hương Việt Nam, đối với Phật Giáo Việt Nam cũng là mùa xuân bất tận, mùa xuân Di Lặc hứa hẹn một tương lai tươi sáng đang chờ đón những người con Phật, đặt chân lên bậc thềm giác ngộ vô sanh, phát khởi đại bồ đề tâm, hạnh Bồ Tát đạo lợi lạc quần sanh và cứu cánh thành Phật viên mãn. Bởi chư Phật và Đại Bồ Tát (thập địa, đẳng giác) có cái nhìn siêu tuyệt vượt lên trên nhị nguyên. Do đó, Bồ Tát Đại Huệ trong kinh Lăng Già đã nói lên kệ tán thán Đức Phật rằng:

Tri nhân pháp vô ngã
Phiền não cập nhĩ diệm
Thường thanh tịnh vô tướng
Nhi hưng đại bi tâm.

Nghĩa là:

Biết pháp và nhân đều vô ngã,
Phiền não cùng sở tri (nhĩ diệm)
Thường thanh tịnh không tướng,
Mà khởi tâm đại bi.

Phàm phu chấp trong thân ngũ ấm là ngã nên phiền não y đó mà khởi. Nhị thừa quán ngũ ấm vô ngã mà cái sở tri chưa quên. Cả hai đều thuộc về mê, không phải có cạn sâu vậy. Ở đây nói “nhân pháp vô ngã, phiền não sở tri thường tự thanh tịnh” đều là lời tán Phật. Song cũng chỉ rõ phàm phu Nhị thừa ngay đó toàn không, bởi do bất giác vọng thấy lưu chuyển. Như Lai biết rõ nên khởi đại bi độ thoát. Tuy không có chúng sanh được diệt độ, mà mười câu vô tận bản nguyện sâu rộng vậy.
(Kinh Lăng Già Tâm Ấn (dịch 1993/1997) HT Thích Thanh Từ – trang nhà Thiền Tông Việt Nam)

Kết luận, theo nhãn kiến của Đại Thừa Phật Pháp, thì các pháp vốn bất sanh bất diệt. Nhưng chúng sanh thấy có sanh diệt vì do chỗ chấp trước có một thật ngã và ngã sở. Còn bậc thánh Nhị Thừa thì thấy thật có Niết Bàn để chứng, thấy thật có sanh tử để đoạn, nghĩa là vẫn còn chấp pháp. Cũng vì vậy Đại Huệ bồ tát nói kệ rằng:

Nhất thiết vô niết bàn Vô hữu niết bàn Phật
Vô hữu Phật niết bàn Viễn ly giác sở giác.
Nhược hữu nhược vô hữu Thị nhất thiết câu ly

Nghĩa là:

Tất cả không niết-bàn Không Niết-bàn của Phật
Không có Phật niết-bàn Xa lìa giác, sở giác
Hoặc có hoặc không có Cả hai thảy đều lìa.

Cho nên Pháp Đại Thừa là pháp trung đạo xa lìa sự chấp Có lẫn chấp Không của phàm phu ngoại đạo và nhị thừa.

Kính chúc tất cả một mùa xuân Di Lặc bất diệt trong tâm thức mọi người con Phật, luôn an lạc hạnh phúc với giáo pháp Như Lai.

Tết Quý Mão – 2023
An Chí

Download pdf file